Cây kế sữa (tên tiếng Anh: Milk thistle) hay còn được gọi với rất nhiều cái tên khác như là cây kế thánh, cây cúc gai, cây kế đức mẹ. Loại cây này có nguồn gốc từ châu Âu được những người thực dân đầu tiên mang đến Bắc Mỹ [1].
Cây kế sữa chứa một hoạt chất rất quan trọng là Silymarin, đây là một flavonoid có đặc tính chống viêm, điều hòa miễn dịch, chống peroxy hóa lipid, chống xơ hóa, chống oxy hóa, chống tăng sinh và có tác dụng hạ đường huyết [2] nên được xem như là một loại thảo dược quan trọng trong việc điều trị các vấn đề bệnh lý về gan, đã được nhiều quốc gia công nhận về giá trị y học và được sử dụng rộng rãi trong y học.
1. Đặc điểm của cây kế sữa
Cây kế sữa được đặt tên từ một đặc điểm độc đáo của cây, là khi cây bị bẻ gãy, cây kế sữa sẽ có nhựa như sữa chảy ra từ lá cây.

Cây lá gan rừng này là một loại thực vật có hoa với màu tím tía đặc trưng, thuộc họ Cúc Asteraceae và có tên khoa học là Silybum Marianum.
Cây có 5 cánh hoa, 5 nhị và bầu một ô với 2 lá noãn và 2 vòi nhuỵ phình ra ở gốc, cùng những đường gân trắng và mọc gai trên thân cây. Cụm hoa đầu đơn độc, rộng 3 –10cm. Những lá bắc ngoài và giữa có một phần phụ hình tam giác màu lục thu lại thành một gai to, ở gốc có 4 – 6 gai nhỏ ngắn hơn ở mỗi bên.

Kế sữa là một loại cây thảo thân thẳng, có phân nhánh, sống được một hoặc hai năm và chiều cao đạt từ 30 đến 150 cm.
Cây có lá màu xanh mọc ở phía trên và ở giữa sẽ ôm lấy thân, không có lá kèm, bóng láng, thường có nhiều đốm trắng dọc theo các gân. Còn lá ở dưới rất to, có cuống và phiến chia thuỳ. Mép lá có các răng dạng gai nhọn màu vàng nên cần cẩn thận khi thu hái.

Không nên nhầm lẫn cây kế thiêng (Cnicus benedictus) với cây kế sữa (Silybum marianum). Cây kế thiêng được dùng để kích thích sản xuất sữa mẹ, axit dạ dày và nước bọt. Còn cây kế sữa chủ yếu được dùng để điều trị các bệnh về gan và túi mật, và cũng được dùng để kích thích sản xuất sữa mẹ [3].
2. Tác dụng của cây kế sữa
Các thành phần hoạt chất chính trong cây kế sữa là một nhóm hợp chất thực vật được gọi chung là Silymarin. Silymarin chiết xuất từ cây kế sữa được biết đến là có đặc tính chống oxy hóa, kháng vi-rút và chống viêm chống peroxy hóa lipid, chống xơ hóa, chống tăng sinh và có tác dụng hạ đường huyết [2].
Trên thực tế, cây kế sữa được sử dụng để điều trị các rối loạn về gan, giải độc gan và túi mật, thúc đẩy sản xuất sữa mẹ, ngăn ngừa và điều trị ung thư và thậm chí bảo vệ gan khỏi vết rắn cắn, rượu và các chất độc khác trong môi trường.
Sau đây là những lợi ích dựa trên khoa học của cây kế sữa [4].
2.1 Cây kế sữa bảo vệ gan
Cây kế sữa được gọi là cây lá gan rừng vì chiết xuất của cây chứa khoảng 4-6% Silymarin, làm giảm men gan ALT và AST ở bệnh nhân gan [5], [6]. Nó thường được sử dụng như một phương thuốc hỗ trợ cho những người bị tổn thương gan do các tình trạng như bệnh gan do rượu, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm gan và thậm chí là ung thư gan.
Một nghiên cứu năm 2021 trên một nhóm 20 người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) sau khi sử dụng thực phẩm bổ sung cây kế sữa trong vòng 3 tháng, kết quả nghiên cứu cho thấy chức năng gan đã được cải thiện, giảm viêm gan và những tổn thương về gan [7].

Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn về cách thức hoạt động của cây kế sữa, nhưng nó được cho là có tác dụng làm giảm tổn thương gan do các gốc tự do gây ra, được tạo ra khi gan của bạn chuyển hóa các chất độc hại.
Một nghiên cứu khác vào năm 2014 về “Tác dụng bảo vệ gan của Silymarin” cũng phát hiện ra rằng cây kế sữa có thể kéo dài tuổi thọ của những người bị xơ gan do bệnh gan do rượu [8].
Bên cạnh đó, cây kế sữa cũng là một trong những loại cây dùng để nấu nước mát hiệu quả cho những người hay dùng bia rượu, giải độc gan.
2.2 Cây kế sữa có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của một số loại ung thư
Đã có một số các nghiên cứu nhỏ về tác động của Silymarin trong cây kế sữa đến bệnh ung thư. Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), các nghiên cứu này chủ yếu được thực hiện trên các tế bào trong phòng thí nghiệm đã phát hiện ra rằng cây kế sữa có thể làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và khối u và có thể làm tăng hiệu quả của hóa trị liệu [9].
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy lợi ích của Silymarin trong cây kế sữa cho một số loại ung thư, bao gồm:
- Ung thư tuyến tiền liệt
- Ung thư vú
- Ung thư cổ tử cung
- Bệnh bạch cầu
- Ung thư da
- Ung thư trực tràng

Đồng thời, theo một nghiên cứu năm 2023 trên Tạp chí Thực phẩm Chức năng, cho thấy tác dụng chống oxy hóa của Silymarin trong cây kế sữa có tác động đến chu kỳ tế bào, di căn và hình thành mạch máu, đồng thời bảo vệ cơ thể khỏi độc tính do hóa trị gây ra ở gan, thận, tim, thần kinh [2].
Mặc dù các kết quả nghiên cứu đều rất hứa hẹn, nhưng Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) vẫn chưa chấp thuận cây kế sữa để điều trị ung thư. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn để xác định cách cây kế sữa có thể giúp chống lại ung thư [10].
2.3 Cây kế sữa hỗ trợ hệ thống miễn dịch
Cây kế sữa có thể giúp tăng cường phản ứng miễn dịch của một người. Nó có thể giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng cũng như giảm tình trạng viêm mãn tính do hệ thống miễn dịch tạo ra.
Một số nghiên cứu trên Tạp chí Vi sinh, Công nghệ sinh học và Khoa học thực phẩm (JMBFS) đã phát hiện ra rằng Silymarin trong cây kế sữa kích thích hệ thống miễn dịch. Nó cũng ức chế hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức để giảm tình trạng viêm mãn tính liên quan đến các tình trạng như hen suyễn và viêm mũi dị ứng [11].
Năm 2016 đã có một nghiên cứu trên mô hình động vật cho thấy chiết xuất cây kế sữa cải thiện khả năng miễn dịch [12].
Một nghiên cứu cũ hơn vào năm 2002 cũng cho thấy rằng chiết xuất cây kế sữa có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch có lợi trong việc tăng khả năng miễn dịch đối với các bệnh truyền nhiễm ở người [13].
Nhiều nghiên cứu hơn với những người tham gia có thể cho phép các nhà khoa học khẳng định rằng cây kế sữa hỗ trợ hệ thống miễn dịch của một người [14].

2.4 Cây kế sữa đối với bệnh nhân bị tiểu đường
Nghiên cứu y khoa cho thấy cây kế sữa khi kết hợp với phương pháp điều trị truyền thống có thể giúp cải thiện bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cây kế sữa giúp cải thiện lượng đường trong máu, mức cholesterol và tình trạng kháng insulin – yếu tố quan trọng trong bệnh tiểu đường loại 2 [15].
Uống chiết xuất cây kế sữa 210-600 mg mỗi ngày có thể làm giảm lượng đường trong máu ở những người bị tiểu đường. Uống chiết xuất cây kế sữa với chiết xuất nghệ cũng có vẻ làm giảm lượng đường trong máu ở những người bị tiểu đường [1].
2.5 Cây kế sữa có thể thúc đẩy sản xuất sữa mẹ
Một tác dụng được tìm thấy của cây kế sữa là nó có thể thúc đẩy sản xuất sữa mẹ ở những bà mẹ đang cho con bú. Người ta cho rằng nó hoạt động bằng cách tạo ra nhiều hormone sản xuất sữa prolactin hơn.

Một nghiên cứu năm 2008 đã phát hiện ra rằng những bà mẹ dùng 420 mg Silymarin trong 63 ngày đã sản xuất nhiều sữa hơn 64% so với những người dùng giả dược [16].
Tuy nhiên, đây là nghiên cứu lâm sàng duy nhất có sẵn. Cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận những kết quả này và cần hỏi ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng cây kế sữa đối với những bà mẹ đang có thai hoặc cho con bú.
3. Cách sử dụng cây kế sữa
3.1 Nước mát giải độc gan và trà
Cây kế sữa thường được dùng pha với nước như một loại nước mát giải độc gan cho những người hay dùng bia rượu. Dùng khoảng 1 thìa cà phê hạt của cây, có thể được cắt nhỏ, nghiền nát hoặc xay nhuyễn, sau đó pha với khoảng 240ml nước nóng. Ngâm hạt trong 10-12 phút là có thể thưởng thức.
Hiện nay, có rất nhiều loại trà phổ biến chứa thành phần cây kế sữa cùng với nhiều loại thảo mộc kích thích tiết sữa khác. Cây kế sữa thường được kết hợp với cây hồ lô ba vì người ta tin rằng hai loại thảo mộc này có tác dụng mạnh nhất khi kết hợp với nhau. Bạn có thể uống 1-2 túi mỗi ngày để hỗ trợ sức khỏe gan.

3.2 Cây kế sữa dùng trong thực phẩm
Bạn có thể ăn mọi bộ phận của cây kế sữa, ngoại trừ gai. Lá và hoa có thể dùng như rau trong món salad hoặc thay thế rau bina, trong khi nụ được chế biến tương tự như atisô. Hạt cây kế sữa có thể rang lên và thêm vào thực phẩm hoặc sử dụng như một loại cà phê thay thế [17].

3.3 Thực phẩm bổ sung hỗ trợ thải độc gan
Cây kế sữa thường được bán rộng rãi dưới dạng thực phẩm bổ sung hỗ trợ thải độc gan. Bạn có thể chọn dạng viên nang, bột, chiết xuất hoặc gel mềm. Hãy đảm bảo rằng bạn mua thực phẩm bổ sung từ nguồn đáng tin cậy và tuân thủ mọi hướng dẫn về liều dùng.
Hãy luôn trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chất bổ sung hoặc thuốc mới nào.
>>> Mua ngay: Viên uống thải độc gan Bronson Milk Thistle 1000mg
4. Những câu hỏi thường gặp về cây kế sữa
4.1 Cây kế sữa có an toàn không?
Cây kế sữa thường được coi là an toàn khi dùng qua đường uống [4].
Tác dụng phụ của cây kế sữa thường là rối loạn đường ruột như tiêu chảy, buồn nôn hoặc đầy hơi [4]. Ở liều dùng cao, đã thấy trường hợp xảy ra phản ứng dị ứng nhẹ [18].
4.2 Những ai không nên dùng cây kế sữa?
Một số người được khuyên nên thận trọng khi dùng cây kế sữa bao gồm [4]:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: Không có dữ liệu về tính an toàn của cây này đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Vì vậy nên xin ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng cây kế sữa cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
- Những người bị dị ứng với cây: Cây kế sữa có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những người bị dị ứng với họ thực vật Asteraceae/Compositae.
- Những người bị tiểu đường: Tác dụng hạ đường huyết của cây kế sữa có thể khiến những người bị tiểu đường có nguy cơ bị hạ đường huyết.
- Những người mắc một số tình trạng bệnh lý nhất định: Cây kế sữa có thể có tác dụng giống estrogen, có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng nhạy cảm với hormone, bao gồm một số loại ung thư vú.
4.3 Trẻ em có thể dùng cây kế sữa được không?
Trẻ em có thể dùng cây kế sữa an toàn khi dùng qua đường uống, với liều lượng thích hợp, trong thời gian tối đa 9 tháng đối với trẻ em từ 1 tuổi trở lên [1]. Tuy nhiên hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ em sử dụng cây kế sữa.
4.4 Tác dụng chính của cây kế sữa là gì?
Tác dụng chính của cây kế sữa dùng để điều trị các vấn đề về gan và túi mật. Các chuyên gia tin rằng thành phần hoạt chất chính Silymarin trong cây kế sữa là một hợp chất chống oxy hóa lấy từ hạt cây kế sữa được sử dụng như một phương pháp điều trị tự nhiên cho các bệnh bao gồm xơ gan, vàng da, viêm gan và rối loạn túi mật [16].
Nguồn tham khảo: Google